Không có cái gì giả dối mà lại tốt đẹp cả. Từ lâu, người xưa đã nói
"chân - thiện - mỹ", ba điều ấy liên quan khắng khít với nhau. Cái gì có
thật mới tốt và có tốt mới đẹp. Cái duyên của người con gái cũng không
nằm ngoài quy luật ấy.
Có cô gái chưa hề đọc tiểu thuyết "Chiến
tranh và Hòa bình" của Tolstoi bao giờ nhưng khi bạn trai hỏi về tác
phẩm ấy cô cứ gật đầu lia lịa là đọc rồi, ra vẻ mình cũng hiểu văn
chương nghệ thuật, còn nức nở khen đó là tác phẩm tuyệt vời. Nào ngờ
chàng trai kia lại là sinh viên khoa văn, tưởng là vớ được người cùng sở
thích, anh ta say sưa bình luận về các nhân vật trong truyện nhưng cô
gái càng nghe càng như bìm bịp nghe sấm, chỉ biết ngồi gật gù đưa đẩy có
lúc bị hỏi mặt ngớ ra. Thế là định đóng vai một người "thông thái" lại
hóa thành cô gái vô duyên, nói năng ấp úng.
Thực ra trên đời
không ai có thể am hiểu tường tận mọi lĩnh vực. Khoa học hiện đại phát
triển như cái cây ngày càng sum suê nhiều nhánh. Ngay cả những người học
cao có khi cũng chỉ chuyên sâu vào một lĩnh vực, làm sao biết được mọi
thứ? Giả dụ có người cái gì cũng biết thì chưa chắc đã đến đầu đến đũa
thành thử cũng chẳng hơn người không biết là mấy. Bởi vậy ít nhất nên
thật thà là hơn. Người xưa nói: "Cái gì biết nói biết. Cái không biết
nói không biết. Ấy là biết đấy!".
Chẳng hạn ngồi với bạn trai
trong quán cà-phê, nếu anh ta hỏi: "Em thấy thể loại nhạc này thế nào?".
Nếu cô gái trả lời: "Em là dân kỹ thuật, rất dốt về âm nhạc, nghe cũng
thấy hay nhưng chẳng biết nó thuộc thể loại gì". Một câu trả lời chân
thật như thế cùng với nụ cười hồn nhiên sẽ tạo nên vẻ duyên dáng tuyệt
vời. Hơn là cứ nói bừa đi, thể loại nọ xọ thể loại kia để muốn tỏ ra
mình là người sành điệu, nào ngờ lại ra cái ít biết.
Có câu: "Một
sự bất tín vạn sự chẳng tin", từ sự dối trá này, người ta dễ suy ra
những sự dối trá khác. Ðến khi mình có nói thật cũng không ai tin và vô
tình trở thành kẻ dối trá, khiến người ta lảng tránh. Có cô được bạn
trai rủ vào quán ăn. Cô đồng ý nhưng nói thật là hôm nay em không mang
tiền. Như thế cũng chẳng có gì là xấu mà tránh được trường hợp người nọ
tưởng người kia có tiền, đến khi thanh toán cả hai cùng mắc cỡ đến nỗi
lần sau không dám gặp lại.
Nói chung sự chân thật bao giờ cũng
chiếm được cảm tình của người khác. Ðặc biệt trong lĩnh vực tình cảm.
Gặp một người bạn, tình cảm của mình tới đâu nên bộc lộ đúng mức độ ấy.
Không nên cường điệu quá lên, thể hiện một sự vồn vã giả tạo đến nỗi làm
người ta khó hiểu. Thật là, những người giả dối thường là những người
đánh giá thấp đối tượng giao tiếp với mình. Tưởng rằng người ta ngu ngơ
chẳng biết gì nên mình có thể lòe bịp được họ. Biết đâu rằng con người
thời nay đa số khôn ngoan, có học, tiếp xúc nhiều với các phương tiện
thông tin nên đâu có dễ dàng lòe bịp được nhau.
Có cô gái đến
chơi nhà bạn trai thấy bà mẹ anh ta có vẻ như người ít đi đây đi đó,
tưởng là "bà nhà quê" không biết gì nên cô ba hoa chuyện bên Tây, bên
Mỹ, có một suýt ra mười, để ra vẻ ta là người đi nhiều biết rộng. Nào
ngờ mãi sau cô mới biết bà thông thạo hai ba ngoại ngữ, là chuyên viên
Bộ ngoại giao đã từng công tác nhiều năm ở nước ngoài. Cô ngượng đến nỗi
lần sau không dám gặp bà nữa.
Những người chân thật khi giao
tiếp với ai, từ ánh mắt đến giọng nói, điệu cười bao giờ cũng toát lên
cái thật và vì thế nó đẹp. Chúng ta biết rằng cái duyên không chỉ là vẻ
đẹp ngoại hình mà còn là vẻ đẹp tâm hồn. Sự thật thà làm cho tâm hồn bạn
thanh thản, trong sáng, nói năng sẽ mạch lạc, cử chỉ sẽ đàng hoàng. Ðó
là vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, dễ thương, khiến cho đối tượng giao tiếp an
tâm, tin cậy và họ cũng muốn bộc bạch nỗi lòng mình, càng nói chuyện
càng như bị cuốn hút. Ðó chính là một nét duyên thầm đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét