Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

NẾU BIẾT TRĂM NĂM LÀ HỮU HẠN - SÁCH HAY

Yêu người, yêu đời với 'Nếu biết trăm năm là hữu hạn'

Sự đồng điệu trong tâm hồn của đôi vợ chồng nhà văn được độc giả đón nhận. Cuốn sách của họ được tái bản lần thứ sáu, số lượng phát hành 40.000 bản.


Tên sách: Nếu biết trăm năm là hữu hạn
Tác giả: Phạm Lữ Ân
Số trang: 250 trang
NXB Hội Nhà văn
Giá bìa: 68.000 đồng
"Nếu biết trăm năm là hữu hạn" là ấn phẩm giữ vị trí best-seller trên nhiều bảng xếp hạng trong nước hai năm qua. Tác giả sách là Phạm Lữ Ân, bút danh chung của vợ chồng Đặng Nguyễn Đông Vy - Phạm Công Luận. Với lần tái bản thứ sáu này, ấn phẩm được thiết kế bìa mới, giấy couché xám mỏng đẹp, có bổ sung thêm một số bài viết và phỏng vấn tác giả.
Khi cầm cuốn sách hơn 250 trang trên tay, tôi chợt hình dung cuốn sách nhỏ này như một sinh mệnh, được "thai nghén" và chào đời từ cuộc gặp gỡ của hai tâm hồn đồng điệu.
Bìa cuốn "Nếu biết trăm năm là hữu hạn".
Bìa cuốn "Nếu biết trăm năm là hữu hạn".
Sinh mệnh này vừa đầy tính trí tuệ (chất triết luận), vừa giàu tình cảm (sự chân thành). Nó mang vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên khiến người ta không thể không đem lòng yêu mến.
Trước hết, điều hấp dẫn nhất ở sách chính là chất triết luận - chiếc chìa khóa mở cánh cửa suy tư cho những bạn đang tuổi "mực tím". Khi nỗi hoang mang về sự rộng lớn của thế giới vây bủa bạn, khi sự cô đơn giày vò bạn, khi thất tình, khi oán trách cuộc sống… bạn đều có thể mở cuốn sách này ra để đối diện với những câu hỏi của lòng mình.
Với ý nghĩa như thế, cuốn sách như một người bạn lớn đầy hiểu biết, bao dung. Những trải nghiệm trong đó được kết tinh từ chính cuộc sống, tuổi trẻ của đôi vợ chồng gắn bó với nghề viết lách. Những chia sẻ qua trang viết của họ giúp, giải đáp cho người trẻ phần nào đó chút cảm nhận, suy tư để vén bức màn của  điều vô hình, trừu tượng, đến gần với điều thân thiết giản đơn hơn về cuộc sống
Trong bài Ai qua bao chốn xa, có người bạn trẻ mang nỗi buồn vô hạn khi viết một câu lên forum: "Bình yên - là khi được ra khỏi nhà". Có thể đó cũng là cảm giác đau khổ, bất lực của rất nhiều bạn tuổi teen: gia đình không đủ ấm áp, bình yên cho ta nương tựa. Nhưng hãy thử nhìn vấn đề theo một cách khác: "Bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. Nhà là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm". Cho nên: "Nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên… thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự thương yêu nhẫn nhịn… Dù gì đi nữa cũng không phải bằng sự buông xuôi".
Trong bài Khoảnh khắc nào thơ dại bỏ ta đi, tác giả trò chuyện với ta về vấn đề sex tuổi mới lớn. Khoảnh khắc nào là hoàn hảo để ta xa lìa thời thơ dại? Người thì cho rằng chỉ có đáp án duy nhất, tối thượng là đêm tân hôn. Người thì nghĩ chỉ cần bước qua “tuổi trẻ em” và đủ hiểu biết để ngăn ngừa việc cho ra đời một đứa trẻ ngoài ý muốn là có thể sẵn sàng… Nhưng tác giả cho rằng cả hai đáp án đều có gì đó không ổn. “Nếu bạn muốn nghe, thì tôi sẽ nói cho bạn điều tôi thực sự nghĩ. Đó là ‘khi nào’ không quan trọng bằng ‘với ai’… Nếu chỉ không đúng thời điểm, có thể người ta sẽ nuối tiếc. Nhưng không hối tiếc. Trái lại, nếu không đúng người, thì ở bất cứ thời điểm nào người ta cũng sẽ hối tiếc".
Một điểm nữa khiến cho cuốn sách bé nhỏ này ở lại trong lòng ta lâu đến thế là sự chân thành. Cách cảm nhận, giải thích đời sống ở đây đầy tỉnh thức nhưng gần gũi.
Đọc bài Những mảnh ký ức cuối năm… ta có thể rưng rưng nghĩ đến mùi của những cọng rau ngày thơ bé, màu của hàng rào bông bụt đỏ, những trái táo gai chua và xanh, hoặc dư vị của một mối tình thơ dại… Đó là những ký ức mà thường chỉ vào mấy ngày cuối năm ta mới có thời gian hồi nhớ. Dăm khoảnh khắc ngắn ngủi ấy cũng đủ xoa dịu ta, chữa lành những vết thương cho ta, giúp ta đủ sức mạnh bước tiếp trên đường đời.
Trong bài Yêu hơn một người? tác giả chia sẻ về tấm thiệp mua tặng vợ nhân kỷ niệm 5 năm ngày cưới: Một cánh chim tung gió trên trời, một con cá kiếm dưới biển, cả hai lao vào nhau, chim trời hóa thành cánh buồm, cá nước hóa thành thân thuyền, trước mặt là biển rộng. Phải là một người đang yêu (trong hôn nhân) rất sâu mới thấm thía được ý nghĩa trong hình ảnh ví von này. Tình yêu “không chỉ là gặp gỡ và đồng hành”, “cũng không phải là sự tận hiến từ một phía”. Tình yêu là một quá trình kết hợp và hóa thân cùng nhau - đôi khi trong quá trình ấy ta phải chấp nhận những trải nghiệm đau đớn.
Còn một yếu tố vô hình khác khiến cho cuốn sách này giữ một vị trí trong lòng độc giả suốt hai năm qua (và có thể là nhiều năm sau nữa): đó chính là vẻ đẹp vừa trong sáng vừa ấm áp, dịu dàng toát ra từ những câu văn. Một ngày nào đó trong đời, ta sẽ nhớ lại và thổn thức với những dòng chữ đã ghìm sâu vào nơi nào đó trong tim ta: “Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu”, “Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”…
Khi gấp trang cuối của cuốn sách này lại, có thể bạn sẽ đơn giản chỉ mỉm cười, hít một hơi thật sâu, cảm nhận sự bình an lan tỏa trong từng tế bào. Cũng có thể bạn sẽ khóc.
Hoài Thương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét