Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Đọc mà thấy tim mình như ...ngừng đập

Truyện ngắn

Những hình hài của trẻ con bị bỏng

Ảnh:

SGTT.VN - Người bố đang ở bên hông nhà lắp cánh cửa cho người thuê nhà thì nghe tiếng đứa bé thét lên và giọng người mẹ thất thanh giữa những tiếng gào.

Rất nhanh, anh lao từ cổng sau vào bếp, và trước khi cánh cửa chớp đóng sầm sau lưng, anh đã nhìn thấy toàn cảnh, cái nồi lật úp trên nền gạch ở trước lò và tia lửa xanh của bếp và vũng nước trên sàn hãy còn bốc hơi nghi ngút lênh ra tứ phía, còn đứa bé đang mặc tã lụng thụng đứng cứng người trong khi hơi nước bốc ra từ tóc còn ngực và vai thì đỏ lựng hai mắt trợn ngược mồm ngoác ra và không hiểu sao dường như tách biệt với âm thanh đang phát ra từ đó, người mẹ quỳ trên một bên gối cầm giẻ lau bát chấm chấm loạn xạ trên người thằng bé hoà cùng tiếng gào của đứa bé bằng tiếng kêu của mình, quá hoảng loạn nên gần như đông cứng.

Một đầu gối của chị và đôi chân trần bé bỏng vẫn còn trong vũng nước bốc hơi, và động tác đầu tiên của người bố là nhấc bổng đứa trẻ ra khỏi vũng nước đem lại bồn rửa bát, vất đống đĩa ra ngoài và đập vào vòi để nước lạnh chảy qua đôi bàn chân đứa bé trong khi bàn tay anh bụm lại đổ, hắt thêm nước lạnh lên đầu, vai và ngực, trước hết muốn hơi nước ngừng bốc ra từ đứa bé, người mẹ nhìn qua vai anh cầu Chúa cho đến khi anh bảo chị đi lấy khăn và gạc nếu có, người bố cử động nhanh gọn trong khi đầu óc anh hoàn toàn trống rỗng chẳng biết tới gì khác, chưa nhận ra anh di chuyển êm ái như thế nào cũng chưa nhận ra anh đã không còn nghe thấy tiếng gào chói lói bởi vì nghe tiếng gào ấy sẽ khiến anh đông cứng và không thể làm điều phải làm để cứu đứa con anh, tiếng gào của nó đều đặn như hơi thở và tiếp tục thật dai dẳng cơ hồ đã trở thành một đồ vật trong nhà bếp, một cái gì đó khiến anh phải di chuyển nhanh xung quanh. Cánh cửa hông của người thuê nhà bên ngoài lửng lơ bám vào bản lề trên khẽ đong đưa trong gió, và con chim trên cây sồi bên kia lối vào dường như quan sát cánh cửa với cái đầu nghếch lên trong khi tiếng khóc vẫn vọng ra từ trong nhà.

Những chỗ bỏng nặng nhất hình như là cánh tay phải và vai, chỗ đỏ trên ngực và bụng nhạt dần thành màu hồng dưới làn nước lạnh và đôi gót chân mềm của nó người bố thấy không phồng lên, nhưng đứa bé vẫn huơ nắm tay nhỏ xíu và gào có điều tiếng gào chỉ còn là phản xạ trước nỗi sợ mà sau này người bố mới biết là mình đã thoáng nghĩ đến, gương mặt bé nhỏ sưng lên, những đường gân ngoằn ngoèo lộ ra hai bên màng tang và người bố luôn miệng nói bố ở đây bố ở đây, adrenalin dồn lên, và cơn giận dữ đối với người mẹ vì đã để cho chuyện này xảy ra chỉ vừa bắt đầu mới chớm ở tận cùng tâm trí người bố phải nhiều giờ nữa mới được thể hiện ra.

Khi người mẹ quay lại anh không biết chắc có nên bọc đứa bé bằng khăn hay không nhưng anh nhúng khăn cho ướt rồi bọc lại, quấn chặt con mình nhấc nó ra khỏi bồn rửa rồi đặt lên mép bàn bếp để dỗ nó trong khi người mẹ cố kiểm tra đôi gót chân với một tay lẩy bẩy quanh miệng mình phát ra những từ vô nghĩa trong khi người bố cúi xuống nhìn cận mặt đứa bé trên mép carô của cái bàn lặp đi lặp lại rằng anh đang ở mặt đây và cố làm cho đứa trẻ nín khóc nhưng đứa trẻ vẫn gào ngằn ngặt, một âm thanh nhói cao tinh khiết có thể làm tim nó ngưng đập và người bố nghĩ đôi môi nhỏ bé cũng như lợi của nó bây giờ ánh lên màu xanh nhạt của một ngọn lửa yếu, đang gào như thể vẫn còn đau đớn dưới cái nồi bị trượt.

Một phút, hai phút như thế dường như lâu hơn nhiều, người mẹ đứng bên người bố hát ru kề mặt đứa bé trong khi con chim chiền chiện đậu trên cành đầu ngoảnh về một bên và cái bản lề biến thành một vệt trắng từ sức nặng của cánh cửa toòng teng cho đến khi giọt hơi đầu tiên trễ nãi toả ra từ dưới mép khăn và hai người bố mẹ nhìn nhau mắt giãn rộng – cái tã, khi họ mở cái khăn và đặt đứa con trai bé nhỏ của mình tựa vào tấm vải carô, tháo mấy chéo vải đã mềm đi, cố gỡ ra nó khẽ khàng cự thêm những tiếng khóc cao vút và nóng dẫy, cái tã của đứa bé làm bỏng tay họ và họ thấy chỗ nước thực sự đổ vào đọng lại làm bỏng đứa bé của họ từ nãy đến giờ trong khi nó gào để họ cứu nó mà họ đã không nghĩ ra và khi họ gỡ nó ra thấy tình trạng của chỗ đó người mẹ gọi tên Chúa và vịn lấy bàn cho khỏi ngã quỵ trong khi người bố quay đi đấm tay vào không trung trong gian bếp nguyền rủa chính mình và thế giới không phải là lần chót trong khi đứa con anh có thể là đang ngủ nếu không vì tiếng thở dồn và những cử động yếu ớt của đôi tay huơ huơ trong không khí trên chỗ nó nằm, đôi bàn tay cỡ bằng ngón cái của một người trưởng thành đã từng bám lấy ngón tay cái của người bố trong nôi lúc nó nhìn người bố mấp máy môi theo bài hát, đầu nó ngóc và dường như nhìn vượt qua bố vào cái gì đó một cách mơ hồ kỳ lạ đôi mắt nó khiến người bố cô độc.

Nếu bạn chưa bao giờ khóc và muốn khóc, hãy có một đứa con. Nó sẽ làm tan vỡ trái tim bạn một đứa bé là một bài hát cao vút mà người bố nghe lại như thể quý bà ấy gần như ở đó cùng anh nhìn xuống những gì họ đã làm, dù nhiều giờ sau đó điều người bố sẽ không tha thứ nhất là anh thèm một điếu thuốc kinh khủng ngay lúc họ bọc đứa trẻ lại khéo léo hết mức có thể bằng gạc và hai cái khăn tay buộc chéo và người bố nhấc nó lên như một đứa bé sơ sinh cái sọ trên một lòng bàn tay ôm nó chạy ra chiếc xe tải đã nóng máy và rít cháy lốp xe suốt dọc đường đến trạm cấp cứu trong thị trấn trong khi cánh cửa của người thuê nhà đong đưa như thế cả ngày cho đến khi bản lề không chịu nổi nữa nhưng tới lúc đó đã quá muộn, khi nó không thôi và họ không thể đến nơi kịp lúc đứa bé đã học cách rời bỏ thân thể mình và theo dõi toàn bộ phần còn lại câu chuyện mở ra từ một điểm ở trên cao, cái gì đã mất từ đó không bao giờ còn quan trọng nữa, thân thể đứa bé khuếch đại và lang thang kiếm sống và sống cuộc đời không chốn trọ, một sự vật trong nhiều sự vật, linh hồn của bản ngã nó bồng bềnh như hơi nước, rơi xuống như mưa và rồi bốc lên, mặt trời mọc và lặn như một cái yoyo.

David Foster Wallace, Lâm Vũ Thao dịch - Minh hoạ của Nguyễn Ngọc Thuần

David Foster Wallace sinh năm 1962, được giới phê bình Mỹ xem là một trong những nhà văn Mỹ sáng tạo nhất và giàu ảnh hưởng nhất trong thế hệ ông. Ông là tác giả ba tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn và một số tiểu luận. Tiểu thuyết thứ hai của ông, Infinite Jest, dài 1.079 trang, từng được tuần báo Time chọn vào danh sách 100 tiểu thuyết xuất sắc nhất giai đoạn 1923 – 2006. Là nạn nhân của chứng trầm cảm, ông rốt cuộc treo cổ tự tử ngày 12.9.2008.

Truyện Những hình hài của trẻ con bị bỏng (Incarnations of Burned Children) đăng lần đầu trên tạp chí Esquire, sau được đưa vào tập Obvilion: Stories, là truyện tương đối ngắn, được viết không xuống dòng với những câu dài nhiều mệnh đề liên tiếp quyện vào nhau – một cú pháp đặc trưng của Wallace. Truyện viết về một tai nạn xảy ra trong một gia đình mà cả ba nhân vật đều không có tên, chỉ được gọi là người bố, người mẹ và đứa bé. Cũng có thể coi đây là truyện về nỗi đau: nỗi đau thân thể (của đứa bé bị bỏng nước sôi) cũng như nỗi đau tinh thần (của người bố và người mẹ), và cách người ta phản ứng trước nỗi đau. Một câu chuyện ám ảnh, khó quên.

Dịch giả Lâm Vũ Thao

6 nhận xét:

  1. Hồi thằng nhỏ chừng hơn một tuổi , đã có lần lem ...lem thấy nó đứng ...một mình trong bếp bên cái nồi đầy dầu sôi đang rán khoai tây.. đọc truyện này ...tự dưng nhớ lại ...thắt cả ruột gan ...Chỉ một phút sơ xểnh hối hận cả đời...:(

    Trả lờiXóa
  2. Đọc mấy truyện này nặng lòng quá!

    Trả lờiXóa
  3. Vâng, em cứ bị nhớ....nhớ đến bao vụ ...báo đăng đầy rẫy ...thấy ...đau lòng quá đi .Bao giờ cho người biết thương người hả chị :((

    Trả lờiXóa
  4. Bao giờ họ đối đầu với cái chết.

    Trả lờiXóa