Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

NGƯỜI LƯƠNG THIỆN - THÁI BÁ TÂN

Có thể mỗi ngày một ít đi, nhưng bây giờ vẫn còn nhiều người trung thực, tốt bụng và thật thà đến mức gần như ngây ngô. Họ không biết làm điều ác, không biết nói dối và luôn mặc cảm với cái bị nhiều người coi là thứ xa xỉ trong cuộc sống xô bồ thực dụng hiện nay, là lương tâm. Cũng vì tốt và trung thực, họ dễ bị tổn thương, nhiều khi thành nạn nhân của chính lòng tốt và sự trung thực ấy. Xét về nhiều phương diện, nhân vật chính câu chuyện tôi sắp kể dưới đây là một người như thế. Một người lương thiện.

Nguyễn Ngọc Tú là một bác sĩ trẻ, giỏi nghề, hiền lành và bẽn lẽn như con gái, mặc dù tuần nào cũng cầm dao mổ bụng người khác. Trong con mắt hàng xóm và đồng nghiệp, anh là người hạnh phúc - kinh tế khá giả, cô vợ xinh đẹp, sắc sảo làm việc cho một công ty nước ngoài, và thằng con trai ba tuổi mũm mĩm như thiên thần.

Một chiều thứ bảy nọ, khi hai bố con đang chơi trò đánh nhau trên giường thì thằng con thiên thần ấy bỗng cầm chiếc kìm nhỏ mạ trắng đâm mạnh một cái đúng nửa sau bên trái đầu bố. Rồi cười sằng sặc. Còn bố nó thì nằm bất tỉnh đến mười phút, vẫn bị thằng bé vừa reo hò vừa dùng kìm đánh khắp người.

Khi Tú tỉnh lại thì chị vợ vừa đi đâu về. Thấy mặt chồng khác lạ, chị ta hỏi có chuyện gì. Tú ngơ ngác mãi, cuối cùng mới mang máng nhớ ra. Hình như thằng Phúc đánh làm anh ngất . Chị vợ chỉ cười, đùa bảo: Cho chết! rồi mắng thằng con một câu về tội nghịch ngợm.

Phần còn lại của ngày thứ bảy hôm ấy trôi qua bình thường. Cả chủ nhật hôm sau cũng vậy. Chỉ Tú cảm thấy có cái gì là lạ trong đầu. Không đau nhưng là lạ. Một cảm giác khó tả.

Vốn cẩn thận, lại là bác sĩ, ngay hôm sau anh đến nhờ đồng nghiệp về não khám. Không thấy gì khác thường. Cái cảm giác là lạ trong đầu kia cũng mất dần. Anh yên tâm và thôi không nghĩ đến chuyện này nữa.

Một tuần sau, cũng vào thứ bảy, Tú lại ngồi chơi với con trên giường. Tất nhiên chiếc kìm đã được giấu kỹ. Thằng bé hí húi xếp hình. Anh nhìn nó, bâng quơ nghĩ nhảy cóc hết chuyện này đến chuyện khác. Bất chợt anh thấy người thằng con nhòe ra, và trong khi nó vẫn ngồi đấy xếp hình thì có một hình khác của nó, mờ hơn, hơi run run, từ từ đứng dậy, nhăn nhó kêu: Bố ơi, con ị ra quần!

Tú dụi mắt. Quái, mình dạo này thế nào ấy. Cứ nhìn gà hóa cuốc! Anh thầm nghĩ rồi vớ tờ báo đọc. Thằng con vẫn say mê chơi trò của nó. Một chốc sau nó đứng dậy, nhăn nhó kêu: Bố ơi, con ị ra quần! Cả tiếng nói và điệu y bộ hệt như anh nhìn thấy lúc nãy!

Anh không có nhiều thời gian để ngạc nhiên vì phải vội giải quyết hậu quả của thằng con dẫu đã lớn mà vẫn mắc cái chứng quái ác này. Nhưng sau đó thì anh ngồi thừ hồi lâu, cố lý giải chuyện kỳ lạ vừa xẩy ra.

Sao đần mặt ra thế? vợ anh hỏi.

Không, không sao cả!

Anh đáp và chăm chú nhìn vợ, lúc này đang cúi xuống giúp con một hình khó xếp. Anh giật mình khi thấy vợ anh tách làm hai, một ngồi yên trên giường, một bắt đầu đứng dậy, đi xuống bếp chuẩn bị bữa ăn. Anh nhìn nữa thì thấy cô suýt cắt phải tay khi gọt khoai tây, rồi xào nấu, bê thức ăn lên bàn, gọi bố con vào ăn. Anh thấy mình đang uể oải nhai, còn thằng bé thì vẫn lấy thìa gõ coong coong vào bát như mọi ngày. Tò mò, anh tiếp tục chăm chú nhìn tiếp thì thấy vợ rửa bát, đi vào nhà tắm, cởi quần áo, vừa lắc đầu vừa ngắm nghía thân hình đã bắt đầu mập ra trong gương...

Anh lặng lẽ bỏ vào phòng, chốt cửa rồi ngã vật xuống giường. Ðầu mình hình như có gì không ổn! anh lo lắng nghĩ, và lờ mờ liên hệ nó với cú đập bằng kìm hôm nọ. Là bác sĩ, anh biết rõ hậu quả các cú đập như thế. Sách báo vẫn hay nói về những khả năng kỳ diệu của một số người bất ngờ bị chấn thương sọ não. Anh đã đọc cuốn Vùng Chết của nhà văn Mỹ nổi tiếng Stephan King kể chuyện nhân vật chính, John, ngày nhỏ chơi khúc côn cầu bị bạn đánh đúng đầu, sau đó bỗng có khả năng nhìn thấy cả quá khứ lẫn tương lai. Vừa rồi anh nhìn thấy trước những gì vợ con anh sắp làm. Liệu có biết được quá khứ như John không? Anh có thể nhìn thấy tương lai xa đến đâu? Liệu cái khả năng kỳ quặc này sẽ mang lại gì cho anh, điều dữ hay điều lành?

Phòng bên có tiếng nước chảy. Vợ anh tắm. Anh hình dung thấy vợ đang lắc đầu nhìn cơ thể trần truồng của mình, hệt như anh đã thấy trước đó. Cả bữa cơm cũng diễn ra đúng như vậy. Anh cố đoán chiều nay vợ anh sẽ làm gì, nhưng không thể. Anh cũng không biết tối nay thằng con chịu ngủ yên hay quấy nghịch. Anh đến đứng trước gương, chăm chú nhìn mình để biết ba mươi phút, một tiếng nữa chuyện gì sẽ xẩy ra với anh. Nhưng nhìn mãi, anh vẫn không thấy gì. Phép màu mất hiệu nghiệm. Bán tín bán nghi, anh uống một lúc hai viên thuốc ngủ rồi lên giường.

Sáng hôm sau, ngồi ăn sáng, Tú chăm chú nhìn vợ hồi lâu, đỏ bừng mặt.

Anh sao thế?

Ồ, không sao cả , anh lúng túng nói rồi cúi xuống đĩa thức ăn. Anh vừa thấy vợ ngày hôm ấy ngồi suốt buổi sáng ở văn phòng với đống giấy tờ, đến giờ nghỉ trưa cô đi ra ngoài, ngồi lên chiếc xe của một người đàn ông đang đợi (tiếc không nhìn rõ mặt), rồi hai người đèo nhau đến một ngôi nhà như khách sạn vì có cô gái áo đỏ ngồi sau quầy lễ tân. Họ vào phòng, bắt đầu thong thả cởi quần áo... Thong thả chứ không vội, chứng tỏ họ quen làm điều này.

Anh đứng dậy, phóng xe đi làm, đầu óc nóng bừng như đang lên cơn sốt. Vậy là Nhàn, người vợ anh yêu và tin tưởng nhường ấy đã phản bội anh. Mà chắc không phải mới bắt đầu. Lấy nhau năm năm nay, nói chung họ sống bình thường, mọi việc suôn sẻ. Anh chưa một lần chạm tới người đàn bà nào khác ngoài vợ, cả trong ý nghĩ cũng không. Tất nhiên anh cũng không nghĩ vợ có thể làm khác. Cô ấy là người tốt, khéo lo toan, thương yêu chồng con, vậy mà... Là người hiền lành, anh không thể và không muốn làm ầm ĩ. Khả năng kỳ diệu mới giúp anh phát hiện một sự thật đau đớn, và bằng cách ấy lấy đi ở anh cái hạnh phúc thư thái của một người chồng không biết bị vợ cắm sừng. Như thế là tốt hay xấu hơn?

Ở bệnh viện hôm ấy may anh không có ca mổ nào. Vốn quen với cuộc sống bằng phẳng, ít sự cố, lại bản tính hay rụt rè thụ động, anh thực sự không biết phải xử sự thế nào trong một tình huống bất ngờ và đầy kịch tính thế này. Ðến giờ nghỉ trưa, anh bấm số điện thoại di động của vợ. Máy bị tắt. Sợ nghi oan cho người khác, anh vội đi tới cơ quan vợ. Người ta bảo cô đi ăn trưa. Anh ngồi chờ trong quán nước ở góc phố gần đấy. Một tiếng sau vợ anh về, đến gần cơ quan thì xuống đi bộ. Anh không nhìn thấy mặt gã đàn ông, mà cũng chẳng muốn nhìn. Hắn mặc chiếc sơ-mi xanh da trời chứ không sẫm màu như anh thấy buổi sáng bên bàn ăn. Chờ vợ vào hẳn trong nhà, anh mới buồn bã quay lại bệnh viện.

Trưa nay anh gọi điện cho em nhưng không được , anh nói khi họ gặp nhau vào buổi tối.

Trưa nay à? Lúc mấy giờ?

Mười hai rưỡi .

Chị vợ nhìn chồng vẻ thăm dò rồi thản nhiên đáp:

À, lúc ấy em ngủ trong phòng làm việc. Tắt máy để khỏi bị quấy rầy. Có chuyện gì vậy?

Không, không có gì đặc biệt. Anh chỉ muốn rủ em đi ăn đâu đó . Anh đáp, mặt thoáng đỏ vì không quen nói dối. Trong khi cô vợ chẳng hề bối rối chút nào. Anh thấy ghê tởm sự dối trá thản nhiên ấy, nhưng không nói gì thêm.

Hôm sau, trước lúc đi làm, anh bảo vợ:

Em nên đội mũ bảo hiểm. Bây giờ bọn thanh niên đi ẩu lắm .

Vì sao?

Vì chốc nữa em sẽ ngã xe ở Ngã năm Lò Ðúc. Một thằng choai choai tông vào em rồi bỏ chạy. Không nguy hiểm lắm, nhưng cứ đội mũ bảo hiểm vào, ngộ nhỡ đầu va xuống đường .

Sao anh biết chính xác như vậy? cô vợ ngạc nhiên hỏi. Mấy hôm nay em thấy anh khang khác thế nào. Anh nói kỳ lắm, cứ như biết trước hết mọi chuyện .

Anh định bảo Vâng, đúng thế , nhưng lại thôi.

Dẫu sao cũng nên cẩn thận , anh nói thêm khi vợ ngồi lên xe, tất nhiên không chịu đội mũ bảo hiểm.

Tối hôm ấy, cơm nước và cho con ngủ xong, chị vợ bảo có chuyện muốn nói với anh, mặt nghiêm túc và lo lắng.

Em quả không sao hiểu nổi! - Cô vào đề luôn, giọng run và to hơn bình thường. - Sáng nay đúng ở Ngã năm Lò Ðúc em ngã xe. May chỉ sây sát đôi chút. Ðúng một thằng choai choai tông vào em rồi bỏ chạy như anh nói. Thế là thế nào? Anh giải thích cho em biết đi? Anh là ma hay sao mà biết trước những gì sẽ xẩy ra?

Ma thì không, nhưng quả anh có cái khả năng ấy , Tú thành thật đáp.

Không, như thế thì thật phi lý. Xưa nay anh cũng chỉ bình thường như em, như tất cả mọi người. Làm sao bỗng nhiên anh có được khả năng kỳ cục ấy?

Tú bình tĩnh thuật lại việc anh bị thằng con đánh kìm vào đầu và giải thích những hậu quả có thể có của nó theo góc độ y học. Chị vợ im lặng ngồi nghe, mặt tái nhợt.

Và hôm qua anh gọi điện cho em cũng vì...

Vâng, anh đã biết hết, thấy hết .

Trời ơi, thế thì kinh khủng quá, kinh khủng quá! Cô thốt lên, hai tay ôm mặt.

Một tuần sau, hai người cùng ký đơn li dị. Chính chị vợ chủ động yêu cầu, sau khi thú thật với chồng mối quan hệ của mình với người đàn ông kia. Vả lại, em không thể tiếp tục sống với một người có cái khả năng kỳ cục và tai hại như anh. Anh là người tốt. Em có lỗi. Nhưng sau tất cả những chuyện này, chúng ta không thể sống chung với nhau được nữa. Cả em và anh sẽ cảm thấy nặng nề .

Nhưng anh sẽ không nhìn em để đoán biết những việc em làm. Nếu em còn thực sự yêu anh thì hãy cắt đứt với người kia. Ta sẽ lại tiếp tục sống hạnh phúc như trước , anh nhẹ nhàng nói.

Hắn là một thằng vô lại, em biết, và sẽ không bao giờ lấy hắn. Nhưng em thích gần hắn. Ít ra hắn là thằng đàn ông thực thụ với cá tính mạnh mẽ, quyết liệt. Còn anh thì ngược lại, anh hay mặc cảm, rụt rè như một mụ đàn bà ngu ngốc. Cái tên của anh cũng tên đàn bà. Hơn thế, anh quá tốt, quá trung thực, quá chỉn chu, đến mức nhiều khi em thấy nghẹt thở. Anh có thể hạnh phúc với em, nhưng em thì không. Vậy nếu anh muốn em hạnh phúc như vẫn nói, thì chúng ta hãy chia tay nhau. Anh đồng ý chứ?

Tú ngồi im một lúc rồi gật đầu. Thế là anh bắt đầu sống một mình. Chị vợ đưa con về ở với bố mẹ. Bên ấy nhà rộng, chỉ còn hai ông bà già. Trước họ cố bắt anh ở rể nhưng không được. Họ chia tay thật nhẹ nhàng. Không một lời to tiếng, không tranh chấp của cải, không cả suy tính thiệt hơn. Hàng xóm ai cũng trố mắt nhìn, không hiểu chuyện gì đang xẩy ra.

Sau đó là những ngày buồn bã, gần như tuyệt vọng đối với Tú. Chính anh cũng ngơ ngác không hiểu sao bỗng chốc mọi việc lại thay đổi nhanh chóng như vậy. Sống độc thân, anh có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm và kiểm tra cái khả năng kỳ quái kia mà cho đến nay chỉ anh và vợ anh biết. Sau nhiều lần thử, anh nhận thấy nó không có hiệu lực với anh. Nghĩa là giả sử chỉ mươi phút nữa anh bị ô tô cán chết, thì anh cũng bất lực không nhìn thấy trước điều đó. Anh chỉ có thể biết trước chuyện của người khác, với điều kiện phải luôn nhìn vào người ấy. Cùng với thời gian, hình ảnh sẽ trở nên mờ dần, muốn thấy rõ hơn, lâu hơn, phải rất cố tập trung, là điều làm anh đau buốt trong đầu. Nhìn ai đó năm phút, anh biết chuyện gì sẽ xẩy ra với người ấy sau nửa ngày, mười phút - sau một ngày, cứ thế nhân lên, nhưng càng về sau, hình ảnh càng mờ, và anh càng mệt mỏi, đau đớn.

Thoạt đầu anh còn háo hức với các khám phá của mình, nhưng rồi chúng nhanh chóng làm anh buồn, thậm chí hoảng sợ. Có thể do ngẫu nhiên, không hiểu sao anh chỉ thấy toàn những điều chẳng mấy tốt đẹp. Một cô gái rất xinh, ăn diện đúng mốt đứng cạnh Nhà Hát Lớn, chỉ mười phút sau trở thành kẻ ăn cắp hạ tiện ở Tràng Tiền Plaza, lén lút nhét mấy thỏi son vào chỗ kín rồi đi ra với vẻ đẹp ngây thơ trâng tráo! Một quan chức nhà nước oai nghiêm lớn tiếng chống tham nhũng ở hội nghị, thế mà tối lại hẹn mấy bác dân quê đến nhà riêng đưa hối lộ để hắn chạy cho con họ một suất đi lao động nước ngoài. Những cô điếm đứng co ro bên đường giữa trời mưa gió, gần sáng trở về không có tiền cho bọn ma cô, bị chúng đánh thâm tím mặt mày. Một đứa bé mặc đồng phục nhà trường, cổ quàng khăn đỏ đạp xe đi giữa phố trông thật dễ thương, nhưng mấy phút sau lại chui vào nhà xí công cộng để tiêm một mũi rồi đạp xe đi tiếp với vẻ mặt còn hồng hào, dễ thương hơn... Tất cả những điều ấy trước đây anh không thấy vì chúng được che giấu, bởi vậy anh nhìn đời lạc quan. Bây giờ thì khác hẳn. Bỗng nhiên anh phải đối mặt với bao điều bỉ ổi của cuộc đời. Như những người trung thực, chất phác và hiền lành khác, anh cảm thấy thật buồn, đến mức không dám nhìn ai lâu, nhất là bạn bè và người thân. Anh sợ có thể phải thất vọng vì họ.

Ở bệnh viện, các phát hiện của anh cũng kinh khủng không kém nhưng đáng buồn hơn, vì đó là cái xấu của những người anh từng cùng làm việc và từng kính phục. Hóa ra ông trưởng khoa chỉ tốt và đạo đức bề ngoài. Trong vòng một tuần Tú thấy ông lôi một nữ bác sĩ trẻ (nổi tiếng đoan trang) và một nữ sinh thực tập vào phòng làm việc của ông. Cả hai lần đều có cảnh cởi quần áo. Ðến đây anh không dám nhìn tiếp để biết chuyện gì xẩy ra sau đó. Anh ghê tởm vì có quá nhiều cảnh cởi quần áo. Anh nhìn thấy không ít đồng nghiệp ăn tiền bệnh nhân, quát tháo, hạch sách hoặc thông đồng với các dược sĩ để bán thuốc gấp đôi giá qui định. Có người lúc khám còn sờ cả chỗ kín của họ.

Anh thầm ngạc nhiên sao xưa nay không nhìn thấy, không nghĩ gì về chuyện này. Anh thực sự bị sốc, mặt ngơ ngác như người mất hồn, khiến mọi người nghĩ anh đang ốm. Biết không thể phẫu thuật trong trạng thái như thế, anh đã nhận lời ngay khi trưởng khoa gợi ý có muốn nghỉ phép kéo dài một thời gian không. Trước khi rời bệnh viện, anh moi hết các túi được hơn trăm nghìn đồng, đưa cho một bà mẹ trẻ nông thôn có thằng bé ba tuổi chờ truyền máu nhưng hết tiền, định tối đến ra bến xe bán thân cứu con.

Tú đóng cửa nằm yên trong nhà suốt mấy ngày, suy ngẫm về những sự thật chua xót mà cái khả năng nhìn thấy trước của anh mang lại. Chỉ toàn tai họa! Anh từng sống hạnh phúc với vợ con, đồng nghiệp, mọi chuyện suôn sẻ, thế mà bây giờ phải nằm đây một mình, không việc làm, sắp tới không cả tiền để sống. Anh sực nhớ câu chuyện cổ tích ngày nhỏ về chiếc gương thần biết tố giác những người nói dối. Nhưng rồi tất cả mọi người, kể cả người trung thực và người phát minh ra cái gương kỳ diệu ấy, đã nhất trí đập vỡ nó. Phải chăng trong cuộc sống, sự dối trá cũng cần như sự thật? Liệu xã hội sẽ thế nào khi hoàn toàn không có người nói dối, không có tội ác, đói nghèo, không có những bà vợ, ông chồng lén lút ngoại tình? Những câu hỏi ấy quả rất khó, và anh không thể tìm được câu trả lời.

Sao không thử dùng chiếc gương thần kia, cả khả năng kỳ diệu này của anh nữa, vào những mục đích hữu ích, chỉ hữu ích mà thôi? Anh đang cần tiền. Liệu nó có thể giúp anh kiếm tiền được không, tất nhiên chỉ bằng cách lương thiện? Cá cược và số đề bị gạt ngay từ đầu vì thực chất đó là trò cờ bạc. Vậy chơi xổ số chăng, xổ số hợp pháp của nhà nước? Cũng không được. Anh nhìn thấy trước con số trúng giải đặc biệt một trăm triệu đồng, nhưng sau đó lại thấy một ông già nghèo khổ run run bước lên nhận tiền trong tiếng vỗ tay vang dội. Ông cụ sung sướng đến suýt ngất, đôi má nhăn nheo ướt đẫm nước mắt. Không, anh không thể đang tâm cướp đi vận may của người khác. Anh có thể đi lùng mua chiếc vé có con số may mắn kia và trở thành giàu, bề ngoài có vẻ chính đáng, nhưng thực chất cũng là một trò gian lận.

Hay giúp công an phát hiện tội phạm? Giúp các hãng hàng không biết trước tai nạn? Giúp thế giới ngăn chặn khủng bố? Những ý tưởng thật cao đẹp, nhưng làm thế nào thực hiện được? Chắc chắn người ta sẽ nhốt anh vào nhà thương điên nếu tự anh đến đề nghị hợp tác. Cuối cùng anh quyết định giúp những người đang sống quanh mình. Báo trước cho họ những tai nạn sắp xẩy ra chẳng hạn. Anh sẽ không nhìn, không biết, không báo những việc xấu của người thân họ. Chỉ giúp những điều tốt thôi. Tạm thời trước mắt chỉ vậy.

Hôm nay bác đừng cho thằng Thắng đi trượt pa-tanh. Nó sẽ ngã gãy chân đấy! Anh bảo bà hàng xóm khi đang ngồi uống nước ngoài sân. Hai nhà được ngăn bằng bờ rào khung sắt có lưới mắt cáo. Thỉnh thoảng vào buổi sáng, trước giờ đi làm họ vẫn trao đổi với nhau đôi câu chào hỏi.

Bà kia ngạc nhiên:

Sao anh biết ?

À, tôi linh cảm thấy thế. Dẫu sao, xin bà hãy nghe và đừng cho thằng Thắng đi! .

Tuy không tin, nhưng vốn mê tín, bà hàng xóm vẫn lặng lẽ giấu đôi giày của con trai. Bà nghĩ bà đã có thêm một bằng chứng khẳng định lời đồn của nhiều người, rằng dạo này anh Tú thế nào ấy, cứ như người mất hồn. Không khéo lại mắc bệnh tâm thần. Tội nghiệp!

Một hàng xóm khác - ông này làm nghề thầu xây dựng thuộc loại ít chữ nhiều tiền - thì thẳng thừng đốp luôn khi anh bảo ông ta hôm nay cẩn thận kẻo dàn giáo đổ:

Cậu chỉ được cái nói gở! Tôi mà có chuyện gì, cậu phải chịu trách nhiệm đấy! Rồi phóng xe đi.

Tối đến thấy có người đèo ông ta về. Quả ông ta có leo lên dàn giáo, và nó đã đổ, may chỉ sái chân. Cái thằng bác sĩ ấy điên thật rồi! - ông ta bảo một hàng xóm khác. Chẳng trách bị vợ bỏ, bệnh viện bắt thôi việc! Thế là dần dần người ta tin Tú điên. Chí ít cũng tâm thần nặng. Tuy nhiên, từ đấy không hiểu sao trong xóm ai cũng nghe theo lời dặn của thằng điên ấy, và nhờ vậy tránh được tai họa.

Một hôm, ở quán cơm bụi, có cô gái ngồi cạnh anh, ăn xong đang thanh toán tiền với bà chủ. Anh giật mình thấy cô lái xe đi theo bờ đê vắng người rồi bất ngờ bị hai thanh niên đèo nhau ép vào vệ đường. Tiếp đến là tiếng kêu cứu, tiếng quát của một trong hai thằng ấy. Còn thằng kia thì anh thấy cố dằng chiếc túi cô ôm chặt trước ngực mãi không được, bèn giơ con dao sắc nhọn đâm cô.

Này cô! - anh vội nói. - Cô sắp bị cướp đấy. Chúng còn giết cô. Cô đừng đi nữa. Xin cô hãy tin tôi!

Cô kia nhìn anh, vẻ nghi ngờ, tư lự một lúc rồi lên xe phóng đi.

Ðừng, tôi nói thật mà! Ðừng đi! Nguy hiểm lắm, xin cô đừng đi!

Tú liền vội vàng đặt bát đũa xuống, lên xe đuổi theo trước con mắt ngạc nhiên của những người xung quanh. Ðấy là phản xạ tự nhiên chứ lúc ấy anh không biết đi theo để làm gì. Anh giữ khoảng cách khá xa, cốt không mất hút cô kia. Qua cầu Chương Dương, cô gái rẽ trái theo đường Gia Thượng. Lúc ấy trời nhá nhem tối. Ðến đoạn gần Cầu Ðuống thì bắt đầu xẩy ra cái việc anh đã nhìn thấy trước...
*
Hôm sau báo đưa tin có hai người bị bọn cướp giết lấy tiền và xe ở địa bàn Gia Lâm. Một trong hai người ấy là Tú. Quá lo lắng cho tính mạng người khác, con người lương thiện ấy đã không có thời gian nhìn thêm mấy giây để thấy cảnh chính anh sẽ bị giết. Cũng có thể nhìn thấy nhưng anh đã không coi trọng điều đó.

Hà Nội, 15.6.2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét