Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

“Có một phố vừa đi qua phố” – những thanh niên “láo lếu” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên (ST)


Tự họa của Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Đinh Vũ Hoàng Nguyên
mất cách đây một năm rưỡi (tháng 3. 2012). Qua ngày giỗ đầu đã lâu, cuối cùng những người ái mộ anh đã có thể lưu một cuốn sách của anh trên giá sách – “Có một phố vừa đi qua phố” – kỷ niệm của cái người hồi đó đã làm họ vui mỗi ngày bằng những entry ngắn, status hóm hỉnh. Nhưng giờ xem bức ảnh chụp ở cuối sách, khi anh cười với con bên giường bệnh, chắc hẳn những ai được anh làm cho cười ngày trước, nay sẽ không cầm được nước mắt.

Đinh Vũ Hoàng nguyên từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh nổi tiếng với viết dù chưa bao giờ có tác phẩm nào xuất bản “chính thống”. Tên của anh trên mạng là Lão Thầy Bói Già (có lẽ vì  do mắt anh chuyển kém, cũng vì thế nên ít vẽ). Facebook của anh có nick Đinh Vũ Hoàng Nguyên – nay vẫn còn, bạn có thể ghé thăm.
Sách “Có một phố vừa đi qua phố” là tập hợp thơ và văn, các đoạn viết ngắn của Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Sách khoảng 240 trang, do Nhã Nam liên kết với NXB Hội Nhà Văn ấn hành.
Mời các bạn đọc một số mẩu truyện trong sách này. Ai nghiêm túc chớ có cau mày: đây là chuyện của các thanh niên-họa sĩ. Mà xét cho cùng, tuổi thanh niên sôi nổi nào chẳng có yếu tố “láo lếu” đi cùng, trừ phi lâu quá, bạn đã quên…


.
Nhặt từ mồm Châu Điên
1
Ngày 15.3.2008. Châu Điên nói:
A lô…! A lô… ông có bị cao huyết áp không?… À, thế có bị tim không?… Ông bình tĩnh nhé, phải thật bình tĩnh vì tôi gọi điện thông báo với ông một tin cực kỳ đau thương và buồn thảm, đó là ngày mai vợ nó lấy tôi!… Bĩ lắm, nhưng không trốn được!… Tại bố nó nói, ba năm nay anh bảo là tìm hiểu, thế nhưng anh cứ tìm mãi, liệu bao giờ anh mới chịu hiểu!… Ừ nhé, ông phải lên đấy, lên cho nó vợi màu u ám. Địa điểm là nhà thuyền Hồ Tây, năm giờ chiều… Mà gặp được thằng nào thì cứ thông báo hộ luôn. Tôi lú rồi! Mấy hôm nay bạc mẹ nó hết lông đầu!… Càng đông càng tốt! Trong giờ phút đau thương này sự có mặt của các ông sẽ làm tôi có thêm ý chí để đương đầu với nó!…

Ngày 16.3.2008. Châu Điên nói:
Á à! Bọn chó này, chúng mày vào đây… Giới thiệu với chúng mày, đây là vợ tao hay còn gọi cô dâu… Đau thương lắm, nhưng đừng mếu máo thế, kẻo tao khóc theo!… Sư bố lũ chó! Hóa ra là chúng mày khóc thương vợ ông à!!!… Mà đã thế thì chúng mày khóc to lên cho vui! Mà này, phong bì đâu? Đưa ông soi thử xem có lõi không!… Vợ cứ kệ anh, với bọn này phải thế, vì ngày xưa anh với chúng nó lắm thù!… Thôi, đủ rồi, phờ ri sít nhé, ông đi thu tô tiếp đây!!!

Ngày 17.3.2008. Châu Điên nói:
… Kệ mẹ vợ! Zhô đi!… Bé ơi, cho thêm chín bia nữa!… Mà tại sao chúng mày cứ phải quan trọng chuyện lại mặt bố mẹ vợ nhỉ! Mình lấy về rồi, không lại mặt thì nhà bên đấy dám đòi con gái chắc… Mà đòi thì giả, xem dám nhận không… Này, cuối tuần có chương trình gì thì gọi nhé!… À, đi xa thế à?… Thế thì tao phải cà khịa vợ từ hôm nay… Mà tao dặn, nếu định đi đâu dài ngày thì nhớ thông báo tao sơm sớm, để về nhà tao làm cái mâu thuẫn, mình cứ lầm lì mấy hôm, vợ không chịu được nó chửi. Thế là có cớ biến. Chứ mà báo sát giờ, lại phải vào đá nó mấy cái cũng tội. Với đàn bà thủ đoạn phải cao!… Ấy, im, chúng mày im! Thằng chó này, bảo im cơ mà… A lô, em à… Anh đang về, nhưng đường tắc quá… Đâu! Đâu! Ơ kìa! Hạ hỏa hạ hỏa, anh về đây, về ngay!… Thôi thôi, tao lượn đây. Bỏ mẹ, nó vừa mát mẻ: thôi để em về bố mẹ một mình!

2
Châu Điên kể:
Hồi đấy tao hai mươi ba tuổi, tao đi dự đám cưới thằng bạn. Lúc vào mâm tao ngồi ăn cạnh một em, tao hỏi: “Em bao nhiêu tuổi?”, em trả lời: “Em ba mươi mốt tuổi”, tao nói: “Em hơn anh tám tuổi!” Em ngước sang nhìn thấy tao tóc buộc đuôi ngựa, mặt già và nhàu, em bảo: “Anh mà kém em tám tuổi, cái đồ điêu thế!”

Lúc ăn, cứ tao gắp một miếng cho em thì em lại gắp một miếng cho tao. Em hỏi tao làm gì, tao bảo tao làm nghệ thuật. Rồi tao kể nghệ thuật gian nan lắm, nghệ sĩ là phải hết mình, phải dấn thân, phải đến với cái đẹp bằng tâm hồn trinh trắng… Em nghe, đớp từng lời, em xuýt xoa: “Anh tài thế!” Tao… sướng quá, vỗ bộp vào đùi em, bảo: “Anh nói chuyện nghệ thuật với bao nhiêu đứa, toàn đứa ngu, có mỗi em là hiểu”, rồi bóp đùi em. Em mặt đỏ cực kỳ e lệ, để yên cho tao bóp đùi.
Hôm sau tao rủ em đi chơi, em thỏ thẻ: “Hay hôm nào anh vẽ cho em bức chân dung nhé?”, tao bảo: “Vẽ tranh chân dung khó lắm, vì không phải chỉ vẽ cho giống mà phải truyền được vào tranh cái hồn.”, em hỏi: “Làm sao mới truyền được vào tranh cái hồn?”, tao bảo: “Thì người nghệ sĩ phải nghiên cứu sâu mẫu!”, em hỏi: “Làm thế nào để nghiên cứu sâu mẫu?”, tao bảo: “Phải ngủ với nhau nhiều!”, em lè lưỡi: “Eo, nghệ thuật tởm!”
Thế rồi liền một tuần, ngày nào em cũng qua nhà để tao nghiên cứu nghệ thuật. Chủ nhật em hỏi: “Bây giờ anh vẽ được chân dung em chưa?”, tao tay run, chân run, bảo: “Em ơi, anh sắp kiệt sức vì nghệ thuật!”
Sang tuần, tao với em đi thăm bố em nằm viện. Bố em thỉnh thoảng liếc trộm tao. Tao ra ngoài thì nghe bố em hỏi em: “Sao yêu cái thằng như oắt con?”, em bảo: “Tại anh ý là nghệ sĩ, nên trẻ lâu!”
Lúc ra cổng viện lấy xe máy, tao phát hiện bị mất vé xe, phải trình chứng minh thư để lấy xe. Em ngó chứng minh thư tao, em hỏi:
“Thế anh kém em tám tuổi thật à?” Từ đó trở đi, em im thin thít.
Tao chở em về nhà em, xuống xe, em nhìn tao lâu, như vĩnh biệt, rồi em véo sườn tao, em bảo: “Kém người ta tám tuổi mà đòi… cái đồ điêu thế!”
Chúng mày ạ, suy ra đàn bà chỉ thích tin cái mà đàn bà muốn tin, chứ mình có nói thật mười mươi mà đàn bà đéo muốn tin thì mình vẫn cứ thành điêu tất. Làm người lương thiện với đàn bà khó lắm!


Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Ảnh: Trần Thị Thanh Loan (chụp nhân ngày cưới cho bạn)



Điện thoại toilet
Kều học Mỹ thuật Công nghiệp cùng mình. Hai thằng thân nhau. Kều lúc mua nhà ở riêng đánh hẳn cho mình một cái chìa khóa.
Hôm tân gia, Kều được tặng mấy chiếc điện thoại bàn (thời ấy điện thoại di động gần như chưa ai dùng). Thừa điện thoại, lại rỗi việc, Kều liền tách đường dây mắc song song mỗi góc trong nhà một máy, trong toilet cũng treo một máy, cạnh bệ xổm. Kều bảo: “Thời nay hiện đại, công nghệ viễn thông phát triển vào mọi ngóc ngách đời sống, mình phải cập nhật. Vả lại mình là người quan trọng, mắc điện thoại ở đây để có đang mót cũng vẫn tiếp được dân.”
Rồi Kều hỏi mình: “Thế nhà bạn Nguyên có điện thoại trong toilet không?”
Hồi trước có lần mình đang ngồi đại tiện, Kều mở he hé cửa đưa cho mình cái thìa, rồi đi. Cái thìa vốn là để xúc ăn, mình đang ngồi trong hố xí mà nó nhét cho mình cái thìa là ý bảo mình điều gì, mình biết! Bình thường mình và nó nói chuyện với nhau như chó sủa, giờ nó đột nhiên đổi giọng, gọi mình rất ngọt ngào “bạn Nguyên”, tức là đang mỉa sự lạc hậu nhà quê của mình khi không có công nghệ viễn thông trong nhà xí, mình biết!
Kều giận nhau với người yêu hai tuần. Hôm ấy mình xuống nhà Kều chơi, vì có chìa khóa, nên mình chẳng gọi cửa mà cứ thế ung dung mở khóa vào nhà. Kều đang ở nhà trên say sưa buôn điện thoại. Mình đến Kều cũng không biết. Nghe loáng thoáng dăm câu, biết nó đang nói chuyện với người yêu.
Mình lẻn xuống toilet, nhấc điện thoại ngồi nghe.
Chị và chàng bặt mặt lâu. Hôm nay chàng gọi điện chủ động làm lành. Qua câu chuyện, thấy cục giận của chị nàng đã nguội, giọng chuyển dần từ kim sang thổ, thỉnh thoảng lại điểm đôi câu “ứ”.
Buồn tình, mình thọc ngón tay vào nách, gí sát ống nói, rồi ép “ẹp pẹp…”, hệt tiếng xả xú khí đại tiện.
Kều đang nói, chợt khựng.
Đầu dây bên kia cũng đột ngột lặng ngắt.
Thời gian đông lại, một lát, rồi giọng chị nàng nhẹ và nhạt, nói: “Nếu có lần nào gọi điện cho em, mong anh chọn thời điểm khác!”


Ảnh: Trần Thị Thanh Loan



Có cái đéo gì mà phải xấu hổ!
Hồi mình chuẩn bị thi đại học (trường Mỹ thuật Công nghiệp) thì Kều đang bộ đội, đóng quân Sơn Tây. Kều hơn mình một tuổi, nó xuống Hà Nội luyện thi thì gặp mình, rồi thân. Ông anh họ của Kều có một căn hộ bé xíu khoảng 9m2, không dùng, mới cho Kều về ở. Mình nhà ở Hà Nội, nhưng hay đến chỗ Kều vẽ và ngủ, cho tự do.
Trong số môn thi để vào Mỹ thuật Công nghiệp ngày ấy ngoài hai môn vẽ: hình họa, trang trí, còn phải thi hai môn văn hóa nữa là toán và văn. Thí sinh thi vào trường này có truyền thống học văn hóa dốt, thành ra thằng nào điểm văn hóa cao là cơ hội đỗ tăng vọt.
Kều hỏi mình:
- Trình độ văn hóa mày thế nào?
- Văn thì còn bịa được chút ít, chứ toán thì ngu như lợn! rồi hỏi lại Kều, mày thì sao?
Kều thụt thụt cái mồm kêu “ụt ịt ụt ịt…” thay cho câu trả lời.
Gần ngày thi Kều bàn:
- Tao với mày ngồi khác buồng, nên hôm nào vào phòng thi hai thằng phải căn đồng hồ, làm sao cứ 9h30 thì cùng xin đi đái, gặp nhau ở buồng đái, tao làm được gì tao bày cho mày, mày làm được gì mày bày cho tao.
Mình phân vân:
- Hai thằng ngu ngang ngửa như nhau thì biết gì mà bày?
- Cái thằng này! Tức là tao quay được gì thì tao đưa mày, mày quay được gì thì mày đưa tao.
Mình có nghe kinh nghiệm của mấy khóa trước đi thi về tuyên truyền lại, liền kể:
- Luật bất thành văn ở trường này là vào thi nếu giám thị bắt được thí sinh quay bài sẽ thu tài liệu, nhưng không đánh dấu bài, vẫn cho thi tiếp. Thế là đã có châm chước vì đây là trường năng khiếu, môn văn hóa không đánh giá cao. Trường mình vào kỳ thi toàn mượn giáo viên mấy trường cấp ba về trông, mắt lửa ngươi vàng, kinh nghiệm đầy mình, thằng nào quay cũng bị giám thị dính đít hết. Mà như cái loại tao với mày, tài liệu đã bị thu thì cũng coi như toi, ngồi thi tiếp làm gì!
Vài hôm sau gặp mình, mặt Kều tươi tỉnh, Kều bảo:
- Hôm thi văn hóa tao có cách rồi.
- …?
- Hôm ấy tao sẽ mặc quân phục, thấy mình là bộ đội, tình quân dân cá nước, thể nào giám thị cũng thương…
- Xoay thêm một bộ nữa cho tao. Tao cũng làm bộ đội! Thông minh quá đồ ngu ơi!
Năm ấy trường Mỹ thuật Công nghiệp thuê địa điểm thi ở một trường cấp ba, lúc thi hai môn văn hóa, cũng như mọi năm, giáo viên trường cấp ba này đảm nhận luôn việc trông thi.
Mấy hôm trước Kều về đơn vị mang xuống hai bộ quân phục, một bộ sẵn của nó, một bộ nó mượn cho mình, có gắn cả quân hàm quân hiệu. Mình với Kều xanh rì – đỏ chót xuất hiện ở địa điểm thi, cả trường nhìn.
Vào phòng thi chỗ mình ngồi cuối lớp. Quyển Đáp án bộ đề thi đại học dày cộp mình giắt thắt lưng. Giám thị là hai cô giáo. Thấy mình mặc quân phục, một cô hỏi:
- Cậu là bộ đội à?
- Thưa cô, vâng!
- Phòng bên kia cũng có một cậu bộ đội, thế có biết nhau không?
- Dạ, bạn ấy ở đơn vị cùng em, đơn vị cử hai đứa đi thi, học xong trở về phục vụ quân đội.
Mình cố thêm cái ý “trở về phục vụ quân đội” là để tăng thiện cảm của cô. Chiêu này có vẻ thành công, cô giám thị ân cần:
- Thế đi thi thế này cậu có ôn được nhiều không?
- Thưa cô, thời gian bọn em cũng hạn chế vì vẫn còn nhiệm vụ của quân đội. Bọn em có vất vả hơn ở mấy môn văn hóa. Nhưng… nhưng được đi thi thế này là đơn vị đã tạo điều kiện cho bọn em nhiều lắm đấy ạ!
Cô giám thị nhìn xuống bụng mình. Mình cũng liếc xuống bụng mình, gáy quyển Đáp án bộ đề thi đại học kẹp trong bụng trồi qua khe áo. Cô không nói gì.
Hôm ấy ở phòng mình rất nhiều đứa quay bài. Đống phao của bọn này có cái làm rất kỳ công, thành những băng giấy bé bằng nửa cuộn phim kẹp gọn giữa hai ngón tay, chữ trên đó li ti như đít muỗi. Thế mà hai cô giám thị cực tinh, bắt không sót trường hợp nào.
Riêng mình đặt cả quyển Đáp án bộ đề thi đại học dày cồm cộp trên lòng, xé các trang cần chép, xong ngồi lên, vừa rề rề tay ở khe háng vừa ghi (năm ấy đề thi toán trường mình toàn rút từ cuốn này). Có lần đi ngang mình cô giám thị nói bâng quơ:
- Hình như sắp đến giờ giám thị hành lang đi kiểm tra.
Mình biết lắm cái bâng quơ ấy cô dành cho ai.
Lúc chạy xuống nhà vệ sinh gặp Kều, mình hỏi:
- Thế nào, thoát không?
- Phải hỏi thắng không chứ không phải thoát không!
Năm ấy mình và Kều cùng “thắng”, có học bổng. Điểm văn hóa mình hơn Kều nửa điểm.
Mình bảo:
- Thì ra về học vấn tao vẫn uyên thâm hơn!
Kều bảo:
- Thì ra viết chính tả cũng được coi là học vấn.
Hai mươi năm sau mình lấy vợ. Bộ Đại học cũng đã tỏ ra sáng suốt hơn khi không còn bắt học sinh thi vào Mỹ thuật Công nghiệp phải thi môn toán. Mình và Kều hàng tuần vẫn gặp nhau uống bia, thỉnh thoảng ôn chuyện xưa vẫn nói: “Hồi đó bọn mình vào được đại học là nhờ thông minh hơn người.”
Vợ mình vốn từ bé đã là dân trường chuyên lớp chọn, thị sang Đức học, rồi sang Mỹ làm tiến sĩ về công nghệ môi trường ở trường Michigan – cái trường này vốn có tiếng tăm, nằm trong top 10 đại học của Mỹ.
Một lần mình với vợ xem vô tuyến, thấy phóng sự nói về tình trạng quay cóp của học sinh sinh viên trong các kỳ thi, vợ mình nói:
- Anh có tin không, từ bé đến lớn em chưa bao giờ biết quay cóp.
- Ừ, thì tin!
- Ừ… thì… tin, vợ mình đây, sao miễn cưỡng thế?
Một lát thị lại tiếp:
- Mà sao người ta lại có thể hồn nhiên quay cóp thế được nhỉ? Tại sao người ta không thấy xấu hổ nhỉ?
Mình vốn nổi tiếng sợ vợ, thế mà lúc ấy bỗng nhiên máu trên mặt bốc pừng pừng, mình trợn mắt, băm bổ:
- Có cái đéo gì mà phải xấu hổ! Có cái đéo gì mà phải xấu hổ…! Hử? Hử? Hử?…

1 nhận xét:

  1. " kỷ niệm của cái người hồi đó đã làm họ vui mỗi ngày bằng những entry ngắn, status hóm hỉnh. Nhưng giờ xem bức ảnh chụp ở cuối sách, khi anh cười với con bên giường bệnh, chắc hẳn những ai được anh làm cho cười ngày trước, nay sẽ không cầm được nước mắt."
    ........
    Chẳng biết bài viết của ai lục trên mạng đem về.Hôm nay mình đã có cuốn sách này.Cảm động !

    Trả lờiXóa