Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

CẦN MỘT CÁI NHÌN ĐÚNG VỀ BỆNH TRẦM CẢM (ST)

Cần một cái nhìn đúng về bệnh trầm cảm

by Vân Phong / 14:00 26/03/2013

Thỉnh thoảng bạn bỗng dưng buồn bã u uất mà không biết lý do vì sao? Thậm chí bạn nghĩ rằng mình không thể vượt qua được một cú sốc nào đó, và chỉ muốn buông tay? Rất có thể bạn đang mang dấu hiệu của trầm cảm.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, trước quá nhiều vấn đề vượt ra khỏi tầm kiểm soát và không thể tự mình giải quyết, con người thường có xu hướng cô lập mình, tự gậm nhấm những cảm xúc đau buồn, và không muốn chia sẻ với một ai khác. Hiện tượng này kéo dài sẽ dẫn đến việc mọi ức chế bị dồn nén, lâu ngày thành một phản xạ tiêu cực: không thiết tha với cuộc sống này nữa. Họ thường nghĩ đến cái chết, vì một lý do đơn giản: không có gì vui vẻ để sống.


Mỗi ngày, tôi tiếp xúc với khoảng 30 người muốn tự sát!


Bác sĩ Lê Đình Phương (bệnh viện Pháp Việt TPHCM) cho biết: "Càng ngày càng có nhiều người mắc bệnh trầm cảm, con số thống kê gần nhất là 40% người mắc bệnh này hàng năm, nhưng không phải ai cũng biết chính xác tình trạng của mình để mà điều trị".


Bác sĩ Phương cũng cho biết thêm, mỗi ngày ông phải tiếp xúc với khoảng 30 bệnh nhân muốn tự sát. "Họ đến gặp tôi trong tình trạng hết sức tiêu cực: khóc lóc, gào thét, chửi rủa cuộc đời, đập phá bệnh viện... Hầu hết đều không còn muốn sống nữa. Nói mọi thứ bế tắc và không lối thoát chỉ là một ám ảnh của người bệnh. Thật sự trầm cảm có thể chữa khỏi nếu bạn hiểu biết về nó. Trầm cảm là một căn bệnh, chứ không phải là một trạng thái tâm lý. Xác định được điều đó, bạn mới có một cái nhìn đúng đắn về bệnh này, và có hướng điều trị nghiêm túc".


Trầm cảm là gì và nguyên nhân dẫn đến trầm cảm?
Có thể hiểu, người mắc chứng trầm cảm là những người cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng và tự đổ lỗi cho mình về những cảm giác buồn bực trong lòng đang diễn ra. Họ có thể suy sụp và không tham gia vào những hoạt động thường ngày được nữa, dần dần tự cô lập xa lánh người thân và bạn bè. Và thậm chí, có người còn tự tìm đến cái chết để giải thoát.



Cần một cái nhìn đúng về bệnh trầm cảm 1
Người mắc bệnh trầm cảm thường có xu hướng tự cô lập mình với xung quanh


Nguyên nhân chính xác của trầm cảm chưa được biết rõ. Sự mất cân bằng về những yếu tố môi trường, di truyền, hóa học có thể là những nguy cơ liên quan với trầm cảm. Khi những cảm xúc tinh thần của một người bị mất cân bằng cũng có thể dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, tuổi tác cũng là một yếu tố. Trầm cảm có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tuổi trung bình dễ xuất hiện nhất là vào nhóm tuổi 20.

Các triệu chứng để nhận biết bệnh trầm cảm?
Trước hết cần phải hiểu rõ, trầm cảm không phải là sự yếu đuối về nhân cách. Như bất kỳ người bệnh nào, người mắc chứng trầm cảm cũng có thể có những triệu chứng khác nhau. Rất nhiều người mắc chứng trầm cảm thường cảm thấy bối rối, hoặc họ không có những hiểu biết thấu đáo về vấn đề này. Họ có thể cảm thấy tuyệt vọng, không tin là sẽ có cải thiện. Do đó người trầm cảm thường có 2 biểu hiện phổ biến là:

-Mất hứng thú và niềm vui trong sinh hoạt thường ngày.


-Biểu lộ những cảm giác buồn bã hay vô vọng hoặc những cơn khóc nức nở.

Các triệu chứng của trầm cảm phải kéo dài ít nhất 2 tuần và có thể gồm thêm nhiều triệu chứng sau:

-Ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường


-Tư duy không rõ ràng, hay mất tập trung


-Giảm hoặc tăng cân đáng kể


 

-Dễ cáu gắt, nổi nóng


-Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi


-Phản xạ chậm chạp


-Ít chăm sóc bản thân


-Giảm hứng thú tình dục

-Nghĩ đến cái chết


-Xa lánh bạn bè và người thân

Nếu bạn thấy mình có những biểu hiện như trên, đừng ngần ngại hay che giấu bệnh, hãy đến ngay các bác sĩ có chuyên môn khám và điều trị kịp thời.

Trầm cảm là một bệnh có thể điều trị được!
Như trên đã nói, bạn cần nhìn nhận rằng trầm cảm là một căn bệnh và có thuốc điều trị nghiêm túc. Đó không phải là 1 dạng bệnh tâm lý và chữa trị chỉ đơn thuần bằng các biện pháp tâm lý. Điều trị trầm cảm có thể cần phải sử dụng cả thuốc điều trị và đối thoại. Hiện nay, người ta coi trầm cảm là một chứng bệnh do những thay đổi về hóa học của não bộ, hay những chất dẫn truyền thần kinh. Và thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm đảo ngược những thay đổi này trong não bộ. Điều quan trọng là phải tuân thủ chương trình điều trị mà bác sĩ đã vạch ra cho bạn một cách nghiêm túc.


Ngoài ra, để chữa dứt hẳn chứng trầm cảm, bạn cũng nên tự mình thay đổi lại những thói quen vận động hàng ngày theo hướng tích cực như lên kế hoạch cho các hoạt động giải trí. Hãy tự sống điều độ hơn và tuyệt đối không che giấu những vấn đề đang gặp phải của mình để có thể có sự hỗ trợ từ xung quanh như người thân và bạn bè.


 

Cần một cái nhìn đúng về bệnh trầm cảm 2

Hãy thay đổi những thói quen vận động hàng ngày theo chiều hướng tích cực.


Bác sĩ Lê Đình Phương cũng nói thêm: "Khi bị trầm cảm, bạn thường có xu hướng tìm đến rượu bia hay các loại thuốc hướng thần để giải quyết. Có thể trong lúc đó, tạm thời bạn sẽ thấy khá hơn, nhưng chính những điều này sẽ làm cản trở mục tiêu điều trị bệnh của bạn. Tình trạng suy sụp sau khi sử dụng rượu và các loại thuốc hướng thần có thể làm tăng cảm giác tội lỗi hay mệt mỏi, và bạn vẫn thấy mình là gánh nặng cho những người xung quanh".


Nhưng hãy yên tâm - bác sĩ Phương vừa chỉ những bức tranh với dòng chữ "Thank you, Dr Phương" treo rất trang trọng trong phòng khám của ông vừa cười nói - Đó là những bức tranh của bệnh nhân trầm cảm vẽ tặng tôi. Họ vẽ chúng sau khi đã được điều trị dứt căn bệnh này. Khi đó, họ yêu đời, lạc quan, vui vẻ, và thiết tha với cuộc sống này hơn bao giờ hết! Họ dễ thương và đáng yêu hơn bao giờ hết!

sức khỏe

1 nhận xét:

  1. làm sao để hết bệnh trầm cảm không phải ai cũng biết
    http://www.phununet.com/WikiPhununet/ChiTietWiKi.aspx?m=0&StoreID=16913

    Trả lờiXóa